NGUYỄN PHI HÙNG: TỪNG TẮM MỒ HÔI, ‘ĐỔ MÁU’ KHI CÒN LÀ VŨ CÔNG MUA BALLET

NGUYỄN PHI HÙNG: TỪNG TẮM MỒ HÔI, ‘ĐỔ MÁU’ KHI CÒN LÀ VŨ CÔNG MUA BALLET

By TV Show

Đời Nghệ Sỹ tập 24 là những chia sẻ của nam ca sĩ Nguyễn Phi Hùng xoay quanh về hành trình gian khó khi từ diễn viên múa ba lê trở thành một nam ca sĩ, diễn viên được công chúng yêu mến.  

Nguyễn Phi Hùng vốn là gương mặt không còn quá xa lạ đối với khán giả Việt Nam khi gây ấn tượng ở vai trò ca hát lẫn diễn xuất. Thế nhưng, hiếm ai biết được rằng, trước khi được công chúng biết đến rộng rãi, anh từng xuất thân là một diễn viên múa ballet. Tại Đời Nghệ Sỹ tập 24, nam ca sĩ có dịp trải lòng về khoảng thời gian còn là diễn viên múa, đồng thời chia sẻ cơ duyên lấn sân trở thành ca sĩ, diễn viên.

Tốt nghiệp chuyên ngành múa ballet của Trường Múa Việt Nam và có khoảng thời gian theo đuổi công việc vũ công chuyên nghiệp tại Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ Trung ương, giọng ca Dáng em cho biết bản thân học hỏi được rất nhiều điều, trong đó có thể kể đến việc biến hóa linh hoạt theo nhiều dạng nhân vật trong những vở múa như Vào đời, Thằng gù nhà thờ Đức bà,… từ đó cũng giúp anh có thêm nhiều kỹ năng trong việc diễn xuất.

Nguyễn Phi Hùng trải lòng: “Sau này, khi trở thành ca sĩ, diễn viên, tôi thấy những sự hóa thân trong các vai diễn múa đương đại trước đây đã giúp ích cho tôi rất nhiều, cho tôi thấy được không phải con đường nào cũng bằng phẳng, trải hoa hồng. Thế nên, khi những ngày đầu tôi bước vào lĩnh vực ca hát, tôi học hỏi được thêm những kinh nghiệm để mình bù đắp cho bản thân tốt hơn. Đồng thời, tôi hiểu và biết cách đón nhận tình cảm của khán giả sâu sắc hơn, từ đó lấy làm động lực để tôi cố gắng đam mê và yêu nghề hơn”. Bên cạnh đó, Nguyễn Phi Hùng cũng cho biết thêm, dù bản thân không trải qua một trường lớp học diễn xuất nào nhưng khi lấn sân sang diễn xuất, anh dễ dàng lấy cảm xúc cho nhân vật và có thể linh hoạt diễn đạt cảm xúc bằng hình thể.

Thế nhưng, để theo đuổi sự nghiệp diễn viên múa không phải dễ dàng, nhất là khi Nguyễn Phi Hùng thử sức với những vai diễn ballet cổ điển. Anh cho biết, vì múa ballet rất kén sân khấu, phải phụ thuộc nhiều vào không gian và thời điểm, để có được một vài buổi biểu diễn anh đã chờ đến 2 năm. Vì thế, trong mỗi lần luyện tập, anh đều xem đây là lần cuối cùng mình được trình diễn để bung hết nhiệt huyết. Thời điểm này, anh quyết định Nam tiến sau khi được thầy Trần Văn Lai – nguyên trưởng đoàn Ballet tháng 10 mời về hoạt động tại đoàn Ballet tháng 10.

Nguyễn Phi Hùng cho biết, trong suốt 2 năm, anh như bị tự kỷ vì mải mê luyện tập: “Đôi khi tôi có cảm giác, bản thân giống như một người tự kỷ, vì lúc nào cũng miệt mài với những động tác, ngôn ngữ múa mà quên tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong 2 năm, tôi chỉ nhớ con đường từ phòng trọ cho đến sàn tập. Bởi vì những vở múa quá khó, nếu lơ là, thiếu thời gian tập luyện sẽ không đạt được những điều như thầy và tôi mong muốn cống hiến”.

Một trong những thách thức cũng như kỷ niệm khó quên của Nguyễn Phi Hùng khi còn hoạt động với vai trò là một vũ công múa ballet đó chính là những lần “tắm mồ hôi” sau những giờ tập luyện, trình diễn. “Tôi còn nhớ lần thi tốt nghiệp ở trường múa, gia đình tôi có đi xem biểu diễn nhưng cả nhà lại không ai thấy đẹp hết, vì thấy con mình vất vả quá, thấy thương cho tôi hơn là thấy đẹp bởi khi biểu diễn, mồ hôi tuôn như tắm, có những động tác khó như cầm tay bạn diễn đỡ lên người,… làm gương mặt của tôi không còn được như bình thường nữa. Nhưng tôi thấy rằng, với một người nghệ sĩ phải tập quen dần, tôi cảm thấy đây là những giọt mồ hôi xứng đáng để tôi hy sinh và cống hiến cho nghệ thuật. Với tôi, phải trải qua những đau đớn, những khoảnh khắc trật chân té thì mới có được những tác phẩm như tôi mong muốn”, giọng ca Dáng em bộc bạch.

Tại Đời Nghệ Sỹ, nam ca sĩ 7X khiến MC Minh Đức không khỏi bất ngờ khi tiết lộ về khoảng thời gian gian khó của mình khi theo đuổi sự nghiệp múa ballet, anh từng nhiều lần nuốt nước mắt ngược vào trong. “Thật ra tôi hay nuốt nước mắt vào trong lòng. Tôi còn nhớ những ký ức với thầy Trần Văn Lai, bên cạnh việc khuyến khích học trò thì thầy cũng áp dụng cả những trận đòn roi và có những câu khích tướng, vì “đánh tướng không bằng khích tướng”. Dù có thể tiếp thêm cho tôi động lực nhưng cũng không thể tránh khỏi những lần chạm đến lòng tự ái và bị tổn thương khi chưa làm được như kỳ vọng của tôi cũng như thầy đặt ra”, nam ca sĩ nhớ lại.

Sau hơn 2 năm hoạt động tại đoàn Ballet tháng 10, Nguyễn Phi Hùng quyết định dừng công tác. Thời điểm này, anh không giấu được những lo lắng, cảm giác chông chênh vì không biết bắt đầu từ đâu khi về lại miền Bắc. Cùng lúc đó, anh nhận được những lời động viên từ thầy Trần Minh Lai: “Thầy là người tôi rất là biết ơn, thầy nói rằng: “Đến chặng đường này rồi, em cũng đã trở thành một người có bản lĩnh sân khấu và có thể tham gia được nhiều cái vở diễn rồi thì ở môi trường nào em vẫn có thể hòa nhập được”. Tôi cũng biết rằng có những quy luật không thể thay đổi được, ai cũng sẽ có con đường riêng cho mình, thành ra tôi phải nói lời chia tay với sư đoàn. Lúc đó, cảm giác của tôi hụt hẫng lắm, tôi đang quen cái nhịp sống ở TP.HCM 2 năm rồi, khi trở về Bắc không biết sẽ làm lại từ đâu”.

Song, thời điểm này, nam ca sĩ cho biết bản thân may mắn khi nhận được lời mời từ một công ty đào tạo ca sĩ. Tại đây, anh đảm nhận vai trò là huấn luyện viên múa cho những ca sĩ trẻ. Cũng từ giai đoạn này, anh bén duyên với sự nghiệp ca hát và từng bước chinh phục giấc mơ lớn này.

Bên cạnh những chia sẻ về khoảng thời gian gian khó khi còn là một vũ công múa ballet, Nguyễn Phi Hùng còn gửi tặng đến khán giả của Đời Nghệ Sỹ với loạt ca khúc Cuộc sống tươi đẹp, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Chân tình, Ngày bình yên.

Tập 24 Đời Nghệ Sỹ với nam ca sĩ Nguyễn Phi Hùng sẽ được phát sóng vào lúc 19h15 Chủ Nhật 16/6/2024 trên VTV9. Chương trình do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện.

,

Chia sẻ