CÂU CHUYỆN CUỘC SỐNG: CÓ NÊN THIÊN VỊ TRẺ NHỎ NHẤT TRONG NHÀ?

CÂU CHUYỆN CUỘC SỐNG: CÓ NÊN THIÊN VỊ TRẺ NHỎ NHẤT TRONG NHÀ?

By Nhịp sống

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Có nên thiên vị trẻ nhỏ nhất trong nhà?, Làm sao khi con quá phụ thuộc vào tài chính của cha mẹ?, Tính tự kỷ luật bản thân cần thiết trong công việc.

Có nên thiên vị trẻ nhỏ nhất trong nhà?

Trẻ em luôn xứng đáng được yêu thương, quan tâm, chăm sóc và cần được đối xử công bằng. Tuy nhiên thì sự thiên vị giữa đứa trẻ nào đó nhất là đứa trẻ nhỏ nhất cũng dễ bắt gặp ở không ít gia đình. Trong nhiều trường hợp thì điều này cũng dễ dẫn đến tổn thương tâm lý của những đứa trẻ còn lại và kéo dài đến khi các em trưởng thành.

Chị Nguyễn Thùy (Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân cũng như mọi người trong gia đình dồn sự chú ý và quan tâm vào bé mới sinh thành ra cũng hơi lơ là với bé lớn”.

Bà Ngô Thị Bích Ngọc (Chuyên gia Tâm lý) cho biết: “Khi mình có nhiều con trong gia đình, trẻ cần sự quan tâm và yêu thương vô điều kiện, đối xử công bằngViệc cha mẹ cư xử đứa trẻ này, thiên vị đứa trẻ kia hơn thì có thể làm cho đứa trẻ còn lại bị tổn thương về mặt tâm lý và trẻ sẽ cảm thấy tủi thân. Nếu trở thành thói quen lâu dài thì trẻ sẽ cảm thấy không hạnh phúc trong môi trường gia đình”. 

Trước khi là anh chị trong nhà, những người con lớn cũng từng là một đứa trẻ và có thể cảm nhận được những gì dành cho mình, vì thế cha mẹ đừng vì tuổi tác hay một  lý do nào đó mà thiên vị con cái. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ cũng như để lại nhiều hệ lụy khác.

Làm sao khi con quá phụ thuộc vào tài chính của cha mẹ?

Hiện nay đã có nhiều bạn trẻ đã sớm trưởng thành và tự lập trong cuộc sống để khẳng định mình, thì bên cạnh đó cũng có không ít người dù ở độ tuổi trưởng thành nhưng vẫn còn sống phụ thuộc vào cha mẹ, nhất là về tài chính. Quá trình này kéo dài sẽ để lại những hệ lụy không tốt, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và tương lai.

Sinh ra trong gia đình khá giả, Chị N.T.T (TP.HCM) ngay từ nhỏ chỉ biết ăn học, không thiếu thốn vật chất, không biết làm việc nhà. Đến khi tốt nghiệp, đi làm luôn cảm thấy mệt mỏi, chị xin nghỉ việc và không cảm thấy lo lắng về tiền bạc vì đã có cha mẹ hỗ trợ đầy đủ. Chị chia sẻ: “Thứ nhất là công việc đó quá sức với mình. Thứ hai là cho dù mình có nghỉ việc thì ba mẹ mình cũng sẽ hỗ trợ phía sau cho mình nên mình không lo lắng quá khi nghỉ việc”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui cho biết: “Trong quá trình nuôi con, cha mẹ cần phải dạy con rất rõ ràng về tiền bạc. Ba mẹ có thể giúp cho con hiểu được khoản tiền nào ba mẹ có thể chu cấp cho con. Ngược lại khoản tiền nào chỉ là yêu thích của con thì cha mẹ phải đủ mạnh mẽ, đủ chính kiến để nói không với con”.

Đối với những cha mẹ chẳng may có con đang sống dựa dẫm hoặc có những biểu hiện phụ thuộc tài chính thì nên nhận ra dấu hiệu ngay từ đầu và kiên quyết ngừng việc chu cấp hoàn toàn. Lúc này cha mẹ cần giao trách nhiệm cho con để con tự bắt đầu hành trình tự lập của bản thân. Có thể trong hành trình đó con sẽ gặp khó khăn, lúc này cha mẹ cũng cần đồng hành và làm bạn với con, cư xử tôn trọng để con được thể hiện bản thân, được thử thách, trải nghiệm và trưởng thành. Có như vậy thì những đứa con mới có thể trưởng thành hơn và vững vàng bước vào đời.

Tính tự kỷ luật bản thân cần thiết trong công việc

Trong quá trình làm việc, sự tập trung và chú tâm của mỗi cá nhân góp phần đem lại hiệu suất và hiệu quả cho công việc phát triển tốt hơn. Trong đó, tính tự kỷ luật được xem là yếu tố quan trọng để mỗi người có thể hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Theo chị Vũ Thị Phương Uyên (Đồng Nai) chia sẻ: “Việc kỷ luật bản thân vô cùng quan trọng, vì nó sẽ giúp chúng ta hoàn thành công việc đúng tiến độ, giúp cho công việc của tập thể không bị ảnh hưởng. Mình hay có thói quen lập kế hoạch và cố gắng hoàn thành kế hoạch lập ra”.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa (Chuyên gia tâm lý): “Để rèn luyện được tính kỷ luật của bản thânđầu tiên cần phải xác định được động lực làm việc, xác định mục tiêu cụ thể, tập trung vào công việc. Phải rèn luyện cho bản thân tính đúng giờ, vì đúng giờ giúp cho bản thân làm việc khoa học, biết tôn trọng bản thân mình và biết tôn trọng người khác. Đúng giờ còn giúp chúng ta tăng hiệu quả trong công việc và học tập”.

Muốn thành công trong công việc, chúng ta cần thiết lập và duy trì tính kỷ luật cho bản thân bằng nhiều cách. Trong đó phải thực hiện đúng tiến độ công việc đã đặt ra. Khi tạo cho mình thói quen tính tự kỷ luật giúp mỗi người kiểm soát và sắp xếp công việc thuận lợi hơn, từ đó mở ra những cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Ngoài ra, duy trì được tính tự kỷ luật giúp mỗi người nâng cao lòng tự trọng, xây dựng sự tự tin, nâng cao năng lực bản thân để đạt được những thành quả tốt đẹp.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Nguồn tin – Ảnh: Pr Jet Studio

,

Chia sẻ