CÂU CHUYỆN CUỘC SỐNG: DẠY CON CHỮ ‘TÍN’

CÂU CHUYỆN CUỘC SỐNG: DẠY CON CHỮ ‘TÍN’

By Nhịp sống

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Khi cách giáo dục con của cha mẹ có sự khác nhau, dạy con chữ “tín”, cân nhắc khi chia sẻ cuộc sống hạnh phúc lên mạng xã hội, thoát khỏi tâm lý ngại ở rể.

Khi cách giáo dục con của cha mẹ có sự khác nhau

Cuộc sống ngày càng hiện đại, quan điểm nuôi dạy con cái so với trước đây dần có sự khác biệt. Cũng chính vì điều này một số gia đình, việc chăm sóc các con có không ít ý kiến trái chiều, thậm chí là mâu thuẫn. Theo chuyên gia, khi những mâu thuẫn diễn ra trong thời gian dài mà không có hướng giải quyết thỏa đáng, cha mẹ sẽ dần mất bình tĩnh và sự kiềm chế của bản thân, thậm chí cãi nhau ngay trước mặt con và điều này gây ra rất nhiều hệ lụy.

Thực tế sự thiếu thống nhất trong quá trình nuôi dạy con cũng có thể tạo ra môi trường căng thẳng trong gia đình, ảnh hưởng đến tình cảm giữa các thành viên và sự phát triển của con cái. Khi trẻ nhận thức được sự khác biệt trong cách dạy của cha mẹ, trẻ có thể bối rối và không chắc chắn về những quy tắc nào trẻ nên học theo. Điều này có thể gây ra sự rối loạn về tâm lý, hành vi và tinh thần trong quá trình hình thành nhân cách của con.

Trong cách dạy con, theo các chuyên gia, vợ chồng cần thể hiện sự tôn trọng và kiềm chế, tránh cãi trước mặt con. Dù dạy trẻ theo phương pháp nào, các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình thành người tài giỏi và hạnh phúc. Chính vì thế sự khác biệt trong việc giáo dục con cái hoàn toàn có thể giải quyết được, vì cha mẹ nào cũng mong những điều tốt nhất cho con.

Dạy con chữ “tín”

Lời hứa của cha mẹ luôn được trẻ ghi nhớ và mong mỏi thực hiện, không ít trẻ còn xem đó là động lực để phấn đấu và nỗ lực đạt được. Khi cha mẹ giữ lời hứa, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tin tưởng, ngược lại khi cha mẹ thất hứa nhiều lần trẻ có thể đánh mất niềm tin dành cho cha mẹ. Đối với một số trẻ yếu đuối hay trầm tính, việc thất hứa của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy tổn thương và khó xoa dịu, trẻ có thể thấy bản thân không được quan trọng, hoặc một số trẻ có cá tính mạnh mẽ sẽ có phản ứng tiêu cực.

Ngoài ra khi thấy con trẻ xuất hiện hành vi nói dối, mất chữ tín với mọi người xung quanh, cha mẹ phải kịp thời giáo dục và uốn nắn con, nói cho con biết tầm quan trọng của việc nói thật và những hậu quả có thể xảy ra: Mất lòng tin của bạn bè, làm tổn thương người khác, khó xây dựng quan hệ bền chặt với mọi người xung quanh. Trẻ con luôn có thói quen nhìn vào hành vi, cách cư xử của cha mẹ để học theo, do vậy hơn ai hết mỗi phụ huynh cần là tấm gương sáng cho trẻ noi theo từ những việc làm nhỏ nhặt.

Giữ chữ tín là cơ sở hình thành sự tin tưởng cho các mối quan hệ giúp trẻ nhận được sự tín nhiệm và tôn trọng từ mọi người xung quanh. Cha mẹ cần hình thành cho trẻ một nguyên tắc, nếu vì bất kỳ lý do nào đó không thực hiện được lời hứa cần nói lời xin lỗi tchân thành một cách sớm nhất. Thông qua đó còn truyền tải cho trẻ một thông điệp quan trọng về việc đối diện với sai lầm, đối xử với người khác bằng sự tôn trọng và sống có trách nhiệm.

Thoát khỏi tâm lý ngại ở rể

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ở rể sau khi cưới, trong đó dễ thấy nhất là gia đình vợ chỉ có một cô con gái duy nhất hoặc sức khỏe ba mẹ kém cần người chăm sóc, hay bên nhà vợ có điều kiện tốt hơn để phát triển công việc. Nhưng dù là nguyên nhân gì, đa phần người đàn ông sẽ có một nỗi niềm đó là vượt qua mọi định kiến của xã hội về vấn đề ở rể. Bởi xưa nay nhiều người vẫn có suy nghĩ nam giới cần chủ động trong cuộc sống và là trụ cột gia đình. Vì vậy phải sống độc lập và không nên dựa dẫm vào gia đình vợ.

Từ những định kiến khi ở rể, tâm lý người đàn ông bị ảnh hưởng, họ có thể sống không đúng với tính cách mong muốn của mình. Điều này tạo ra áp lực  cho những người đàn ông sống nhà vợ, họ luôn căng thẳng, sợ dư luận phán xét. Từ những áp lực cộng thêm rào cản khoảng cách giữa các thế hệ khiến không ít người cảm thấy khó hòa nhập với khi ở nhà vợ, từ đó dẫn đến xảy ra mâu thuẫn giữa ba mẹ vợ hay với vợ, thậm chí có những trường hợp đổ vỡ trong hôn nhân.

Trong xã hội hiện nay, nhiều gia đình vẫn có quan điểm rất cởi mở trong hôn nhân. Khá nhiều con rể với tính cách vui vẻ, chừng mực và biết quan tâm sống hòa đồng luôn được mọi người quý mến. Trong đó người vợ chính là sợi dây gắn kết giữa cha mẹ ruột và chồng mình. Đồng thời giải thích cho chồng hiểu về mọi thứ trong gia đình, và phía gia đình vợ cũng cần biết chia sẻ và tạo điều kiện tốt nhất để con rể tự tin hòa nhập với gia đình.

Cân nhắc khi chia sẻ cuộc sống hạnh phúc lên mạng xã hội

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, việc chia sẻ những suy nghĩ cá nhân nỗi niềm tâm sự, hay những khoảnh khắc hạnh phúc hằng ngày đã trở nên đơn giản và phổ biến hơn bao giờ hết. Có thể đối với người khác, khi họ đang có cuộc sống hạnh phúc tình cảm gia đình, vợ chồng viên mãn họ thường khoe những khoảnh khắc hạnh phúc lên mạng xã hội. Nhưng với ai đó, có thể lúc này họ không được may mắn, hôn nhân, cuộc sống đời tư đang gặp nhiều biến cố, họ sẽ xu hướng suy nghĩ tiêu cực và không thích những chia sẻ hạnh phúc của người khác. Không chỉ thế, trong các mối quan hệ trên mạng xã hội, sẽ có nhiều người đang gặp vấn đề kinh tế, việc làm, cuộc sống đang khó khăn. Nhưng khi lên mạng xã hội, họ lại thường xuyên cảm thấy những dòng chia sẻ trạng thái hạnh phúc của người khác sẽ khiến họ cảm thấy áp lực hơn.

Khi ai đó nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, đố kị về những người thường khoe cảm xúc hạnh phúc, mối quan hệ giữa họ và chúng ta trở nên rạn nứt bằng mặt nhưng không bằng lòng. Tất nhiên trong cuộc sống, chúng ta không thể biết được hết người nào đang đau khổ để tránh chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc. Điều quan trọng chúng ta cần hết sức cân nhắc trước khi chia sẻ lên mạng xã hội.

Việc đăng tải chia sẻ hình ảnh hạnh phúc cá nhân lên mạng xã hội là quyền của mỗi người. Nhưng việc cố tình chia sẻ để giấu đi một vấn đề nào đó của bản thân, hoặc để trêu ngươi một ai đó khi biết họ đang bất hạnh và đau khổ là điều không nên. Ngoài ra những cảm xúc hạnh phúc này tạo ra những hiệu ứng không tốt cho người khác, chúng ta cần cân nhắc.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

,

Chia sẻ