CÂU CHUYỆN CUỘC SỐNG: ỨNG XỬ VĂN MINH NƠI CÔNG CỘNG
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Ứng xử văn minh nơi công cộng, giúp con phát triển kỹ năng xã hội, đừng để mất tình thân vì phân chia tài sản, ngại giao tiếp sẽ khó thành công.
Ứng xử văn minh nơi công cộng
Ứng xử văn minh nơi công cộng là hành vi cử chỉ lời nói thể hiện một người có đạo đức, có văn hóa, có hiểu biết trong một đám đông. Ứng xử văn minh nơi công cộng là sự giao tiếp giữa con người với nhau, và nhận thức của họ về môi trường sống. Nếu giao tiếp thể hiện sự tôn trọng người khác, lòng nhân ái và sự giúp đỡ, ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường sống, đó là những hành vi có văn hóa.
Tuy nhiên trong thực tế không khó để chúng ta bắt gặp cảnh xô đẩy nơi công cộng, xả rác nơi công viên và bãi biển, không xếp hàng khi vào nhà ga, rạp chiếu phim. Không giúp đỡ người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai trên các phương tiện giao thông công cộng.
Chị Nguyễn Thị Vân cho biết: “Tôi thấy có một số người đến quán cà phê dẫn theo trẻ nhỏ nhưng không quản lý chúng. Để chúng chạy lung tung, la hét và còn làm vỡ đồ đạc. Tôi cảm thấy hành vi này rất là kém văn minh và ảnh hưởng đến những người xung quanh”.
Cách ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng ảnh hưởng đến không gian chung của mọi người, đồng thời xâm phạm quyền riêng tư và làm cho không gian trở nên ô nhiễm. Ô nhiễm bởi tiếng ồn, ô nhiễm bởi những lời nói, ô nhiễm bởi mùi, ô nhiễm bởi âm thanh khiến không gian bị phá vỡ. Những hành vi thiếu lịch sự nơi công cộng có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội và môi trường xung quanh, không chỉ tạo ra sự phiền toái cho người khác mà còn có thể gây mất trật tự, thậm chí còn có thể bị xử phạt theo quy định.
Thạc sĩ Trần Nam – Chuyên gia xã hội học đưa ra lời khuyên: “Chúng ta nên hành động phù hợp ở nơi công cộng. Không nói năng quá ồn ào, không xâm phạm không gian sinh hoạt của người khác. Không nên tự ý bày biện, không xả rác và không nên có những lời lẽ thiếu chuẩn mực ở nơi công cộng. Tất cả mọi người đều cần một không gian yên tĩnh để tập trung vào công việc”.
Ứng xử văn minh công cộng là một câu chuyện cần được lan tỏa. Và đồng thời lên án cũng như xử phạt thích đáng với những hành vi đi ngược lại với văn minh. Đặc biệt những hành vi gây tổn hại đến danh dự nhân phẩm người khác. Quan trọng nhất vẫn là giáo dục trong gia đình. Hãy ứng xử văn minh trong gia đình, với người thân, hàng xóm, biết tôn trọng người khác, biết giữ an toàn cho người khác, biết yêu thương và giúp đỡ người khác, tránh làm tổn hại người khác bằng lời nói cử chỉ hành động.
TS Phạm Thị Thúy – Chuyên gia xã hội học chia sẻ: “Khi trẻ học được sự tôn trọng mọi người, yêu thương mọi người, biết giúp đỡ mọi người, tự khắc hành vi đó sẽ lớn lên theo năm tháng và khi trưởng thành sẽ có thói quen ứng xử đúng mức với mọi người”.
Ứng xử nơi công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi người, chúng ta không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp từ bên ngoài. Vì vậy chúng ta phải biết tôn trọng người khác và ứng xử một cách đúng mực ở nơi công cộng.
Giúp con phát triển kỹ năng xã hội
Kỹ năng xã hội đóng một vai trò quan trọng để giúp trẻ có thể giải quyết những khó khăn trong môi trường sống. Từ đó giúp trẻ mở rộng mối quan hệ và tăng khả năng thành công trong công việc, mở ra những cơ hội phát triển bản thân trong tương lai. Việc trẻ thuần thục các kỹ năng xã hội ngay từ khi còn nhỏ được xem là bước đệm vững chắc.
Trong thời đại công nghệ số, nhiều trẻ dành thời gian tiếp xúc giải trí thông qua màn hình điện thoại máy tính nhiều hơn là việc tham gia các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ thực hành kỹ năng. Từ đó một số trẻ thường ít khi biểu lộ cảm xúc, nhút nhát và hay giữ kín những điều muốn nói trong lòng. Khả năng giao tiếp hạn chế hay khi gặp những khó khăn trẻ thường không biết cách tự mình giải quyết vấn đề, hoặc trẻ không biết cách quản lý cảm xúc.
Em Vũ Minh Minh (TP.HCM) cho biết, thông qua việc tham gia các hoạt động xã hội đã giúp em trong quá trình rèn luyện kỹ năng. “Con học được kỹ năng giao tiếp, đứng trước đám đông mạnh dạn thuyết trình, không còn cảm thấy e ngại”, em chia sẻ.
Thấu hiểu những ước muốn sở thích của trẻ, định hướng tham gia các lớp kỹ năng, các câu lạc bộ, giúp các em trở nên mạnh dạn tự tin. Từ những kỹ năng mà trẻ học hỏi trong quá trình trải nghiệm thực tế, góp phần giúp trẻ nhận ra đâu là những nhược điểm của chính bản thân và dần khắc phục qua sự hỗ trợ hướng dẫn của thầy cô và gia đình.
Ngoài các lớp học kỹ năng xã hội, việc phụ huynh đồng hành cùng con đóng một vai trò quan trọng. Cha mẹ là tấm gương để con nhìn vào và học hỏi trong cách cư xử, giúp con biết cách quản lý cảm xúc, cởi mở, biết quan tâm chăm sóc, tôn trọng mọi người. Ngoài ra phụ huynh cần hỗ trợ con làm quen với những công việc đơn giản tại nhà, tự chăm sóc bản thân để trẻ thích nghi dần, để khi trưởng thành con tự lập trong cuộc sống. Những lời động viên khích lệ con sau khi trẻ tự mình giải quyết vấn đề, là động lực để trẻ vững tin tiếp tục phát triển những kỹ năng ngày một tốt hơn.
Tiến sĩ La Mai Thi Gia – Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết: “Muốn dạy con tôn trọng người lớn thì chính bản thân mình phải tôn trọng người lớn trong gia đình. Cách mình đối xử với con, con cũng sẽ đối xử với những em bé nhỏ hơn con như vậy. Đây là kỹ năng giao tiếp của con đối với người lớn hơn hay đối với những người nhỏ hơn”.
Việc giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội không chỉ cần sự hỗ trợ về phía thầy cô gia đình, mà còn là một hành trình tự trẻ trải nghiệm cuộc sống xung quanh. Đặc biệt việc tham gia các lớp như kỹ năng tự vệ, giúp trẻ học thêm cách phòng ngừa bạo lực học đường. Kỹ năng vận động giúp trẻ linh hoạt và ứng phó với những tình huống gặp phải trong đời sống. Kỹ năng nói chuyện trước công chúng hay lớp kỹ năng thực hành xã hội, sẽ giúp trẻ có thể chủ động học hỏi biết cách làm việc nhóm. Từ việc cởi mở nói lên những cảm xúc của bản thân từ đó trẻ tự mình mở rộng mối quan hệ giao tiếp, học hỏi tinh thần đoàn kết tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.
Đừng để mất tình thân vì phân chia tài sản
Với tấm lòng thương con mong muốn con có tương lai ổn định hạnh phúc, nhiều gia
đình từ sớm đã tích lũy tài sản để chia cho các con khi trưởng thành. Bên cạnh ý nghĩa tích cực thì việc này cũng dẫn đến nhiều rắc rối. Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình sẽ xảy ra nếu cách phân chia không công bằng thỏa đáng.
Vì là người thân sống với nhau dựa trên tình cảm yêu thương, nhiều gia đình cha mẹ không chú trọng đến việc để lại di chúc trước khi mất. Chính điều này có thể dẫn đến những tranh chấp mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình. Trong trường hợp có di chúc nhưng vẫn xảy ra mâu thuẫn, vì đa phần người trong cuộc cho rằng cách phân chia tài sản không công bằng. “Tôi là con trưởng. Khi ba mẹ mất để lại cho tôi căn nhà để lo hương khói nhưng không để lại di chúc cho riêng tôi. Anh em thường hay kêu tôi bán chia đều ra, tôi rất phiền lòng chỉ vì căn nhà anh em thường xuyên hay gây cãi, không nhìn mặt nhau”, ông H.T.K – ngụ tại TP. HCM chia sẻ.
Việc chia tài sản thừa kế trong gia đình tưởng như đơn giản nhưng khi nhìn vào những vụ việc đã xảy ra: như anh em thưa nhau ra tòa vì tài sản thừa kế hay con tẩm xăng đốt mẹ vì cho rằng phân chia tài sản không công bằng, mới thấy việc phân chia tài sản là vấn đề rất nhạy cảm. Đồng thời cũng cho thấy những bài học về đạo đức, sự giáo dục về tình thân, tình yêu thương chưa được nhiều gia đình chú trọng.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy – Chuyên gia Xã hội học cho biết, việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong nhà rất quan trọng. “Chuyện phân chia tài sản nó chỉ là cái ngọn, phân chia như thế nào, cách nào là tùy mỗi gia đình. Quan trọng nhất là anh em có giữ được hòa khí không, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau không. Điều này liên quan đến một quá trình dạy từ bé đến lớn của bố mẹ. Cách bố mẹ cư xử với anh em trong nhà như thế nào cho công bằng, bình đẳng, trật tự thứ bậc trong nhà. Cách ứng xử theo nề nếp, tạo ra một nét văn hóa trong gia đình, chính nền tảng đạo đức mà bố mẹ tạo dựng cho con sẽ là cách giúp cho họ ngăn ngừa lòng tham, bất chấp tình nghĩa để mà tranh chấp tài sản, xúc phạm lẫn nhau”.
Sau mấy chục năm làm ăn buôn bán, vợ chồng ông Đinh Phước Thiện (TP.HCM) để dành được số tài sản kha khá để dưỡng già và lo cho tương lai của các con. “Tôi cũng cố gắng để lo cho các con bằng nhau, công khai minh bạch, tôi thường khuyên con đừng đặt vật chất lên đầu, không còn tình cảm anh em trong gia đình”, ông Đinh Phước Thiện chia sẻ.
Tài sản không phải là thứ quyết định hạnh phúc của chúng ta. Vấn đề tiền bạc không quan trọng bằng việc chúng ta có giữ lại được những cái điều quý giá mà ông bà đã tạo dựng không. “Có những gia đình cơ sở vật chất tốt, làm ăn buôn bán được bố mẹ tạo dựng từ bao nhiêu đời. Nếu con có cái nhìn tốt, coi trọng việc này thì sẽ thấy mình có trách nhiệm phải phát triển tiếp cái việc đó. Chung tay để tạo dựng tiếp khối tài sản mà ông bà để lại. Chỉ cần chúng ta có thái độ đúng với anh em của mình với tài sản của cha ông mình thì chúng ta sẽ giảm đi nguy cơ xung đột”, tiến sĩ Phạm Thị Thúy – Chuyên gia Xã hội học cho biết thêm.
Hiện nay, việc cha mẹ để lại di chúc hoặc tặng cho tài sản cho các con khi đang còn sống là điều được khuyến khích bởi nó giúp phòng ngừa tình trạng những người thân trong gia đình tranh giành tài sản về sau. Để câu chuyện tài sản thừa kế không gây nên những hệ lụy đáng tiếc, đòi hỏi mỗi bậc cha mẹ cần có sự rạch ròi minh bạch, và đặc biệt là đề cao giáo dục đạo đức, sự đoàn kết lòng yêu thương giữa các con ngay từ sớm. Cần dạy con biết cách tự lập không có tâm lý trông chờ ỷ lại vào tài sản của cha mẹ. Bởi điều đó có thể phát sinh lòng tham sự lười biếng dẫn đến mâu thuẫn giữa các con về sau.
Ngại giao tiếp sẽ khó thành công
Giao tiếp không chỉ là một kỹ năng mà còn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự tin trong việc giao tiếp. Ngại giao tiếp đã trở thành một vấn đề phổ biến, gây ra nhiều khó khăn cản trở cho không ít người.
Hiện nay, với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội, mặc dù chúng ta có thể kết nối với nhiều người, nhưng khả năng tương tác trực tiếp lại giảm đi. Sự phụ thuộc vào giao tiếp trực tuyến hạn chế các cuộc gặp gỡ xã hội, làm nhiều người cảm thấy không thoải mái và tự tin khi phải giao tiếp trực tiếp.
Chị Lưu Thị Vy (TP. HCM) chia sẻ: “Tôi thường rất ngại giao tiếp bởi vì sợ nếu bị người khác từ chối. Trong đầu tôi thường xuyên nảy ra những kịch bản rất là xấu có thể xảy ra trong cuộc trò chuyện, làm tôi cảm thấy mất tự tin, cho nên tôi không muốn trò chuyện trực tiếp với người ta nữa. Tôi thấy việc nói chuyện qua điện thoại hoặc tin nhắn sẽ giúp tôi tự tin và nói chuyện được tốt hơn”.
Mặc dù có hơn một năm kinh nghiệm làm việc, nhưng chị T.T.K vẫn luôn cảm thấy khó khăn mỗi khi làm việc nhóm. Trong khi các thành viên khác dường như tỏ ra khá thoải mái và dễ dàng trao đổi ý kiến, thì chị lại cảm thấy mình không biết nói gì hoặc làm gì. Mặc dù luôn mong muốn có thể giao tiếp một cách tự tin và xây dựng mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp, nhưng cảm giác lo lắng và ngại ngùng đã làm cho chị không thể thể hiện bản thân một cách thoải mái.
Thực tế, gặp khó khăn trong việc giao tiếp có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và công việc. Ngại giao tiếp có thể khiến một người cảm thấy cô đơn, làm mất đi cơ hội xây dựng mối quan hệ kết nối với những người xung quanh. Bên cạnh đó, trong môi trường công việc, ngại giao tiếp có thể thể hiện sự kém tự tin trong việc đưa ra ý kiến đề xuất ý tưởng hoặc tham gia vào các dự án nhóm. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thăng tiến trong công việc. Hơn nữa, trong khoảng thời gian dài, nếu không được kiểm soát, điều này có thể gây ra căng thẳng, lo lắng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Do đó việc vượt qua cảm giác ngại giao tiếp là một bước quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển bản thân trong mọi lĩnh vực.
Thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên – Trường Đại học Mở TP.HCM cho biết: “Người ta thường đưa ra các giải pháp liên quan đến giao tiếp cho các tình huống ví dụ như là trong công việc, thuyết trình, đàm phán, phỏng vấn. Tuy nhiên, chúng ta vượt ra khỏi những rào cản này từ những tình huống giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Sự tự tin không thể nào mà ngày hôm nay thiếu tự tin thì ngày mai sẽ tự tin. Nhưng sự tự tin đó sẽ tập dần từ những tình huống đơn giản. Lâu dần, nó vô trong xu hướng tính cách của chúng ta và chúng ta sẽ thấy nó giống như là một câu chuyện đơn thuần”.
Trong cuộc sống hiện đại, việc ngại giao tiếp đã trở thành một trở ngại đáng kể đối với nhiều người. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề không thể vượt qua bằng cách nhận biết điều này và thực hiện từng bước nhỏ để xây dựng sự tự tin, tăng cường kỹ năng trao đổi vấn đề. Chúng ta có thể vượt qua và phát triển khả năng giao tiếp hiệu quả. Việc này không chỉ giúp chúng ta xây dựng tốt các mối quan hệ mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong cuộc sống và công việc.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.