ĐẠO DIỄN LÊ HOÀNG NHẬN ĐỊNH LÀM PHIM TÀI LIỆU CHƯA BAO GIỜ DỄ DÀNG NHƯ BÂY GIỜ
Tâm sự với đạo diễn Lê Hoàng trong chương trình Kính Đa Chiều, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm tiết lộ cô có nhiều trăn trở trong việc chưa có bộ phim tiếp theo kể từ khi gây tiếng vang với phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.
Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm từng gây tiếng vang trong làng điện ảnh Việt Nam với bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng vào năm 2014. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về những người chuyển giới trong một đoàn hát lô tô, bị bủa vây bởi những nỗi lo cơm áo, sự kỳ thị từ mọi người xung quanh,…
Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm chia sẻ về con đường phim của mình cũng như thảo luận về chủ đề Phim tài liệu vì sao thiếu vắng? Theo nữ đạo diễn, cô tốt nghiệp Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM vào năm 2007. Sau hai năm làm trợ lý phim truyền hình, Nguyễn Thị Thắm bắt đầu theo đuổi con đường làm phim tài liệu.
Trước đó, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm từng thực hiện một số phim ngắn trong khuôn khổ khóa học nhưng không đủ “sức bật” cho đến khi cô trình làng bộ phim dài Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Như vậy, sau 7 năm ra trường, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cũng có một bộ phim nổi tiếng, để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả.
Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cho rằng đây không phải là một hành trình nhanh hay chậm mà tùy vào từng thời điểm. Trong khoảng 5 năm sau khi ra mắt bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm luôn vội vã, cố gắng bắt tay thực hiện nhiều bộ phim hơn nhưng không như cô mong muốn. Nữ đạo diễn tâm sự: “Khi tôi bước qua 5 năm đấy thì tôi hiểu vì sao mình cần chậm như vậy nên chuyện nhanh hay chậm thì rất khó nói. Đối với cá nhân tôi là một người làm phim, làm sáng tạo thì tôi muốn mình làm được nhiều hơn, nhưng đôi khi tôi phải chấp nhận chuyện phim chưa đến với mình thì mình phải kiên nhẫn sống trước đã”.
Host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng tin rằng Việt Nam là mảnh đất “màu mỡ” đề tài để thực hiện phim tài liệu, với những câu chuyện về cuộc đời con người, vùng đất, tình yêu hay những xung đột từ quá khứ đến hiện tại. Đã có một thời kỳ, nhiều bộ phim tài liệu Việt Nam được thế giới biết đến, đặc biệt là các bộ phim thời chiến như Đường ra phía trước, Những người săn thú trên núi Đăk Sao, Một ngày Hà Nội,… Sau năm 1975, Việt Nam cũng có nhiều bộ phim nổi tiếng, đoạt giải quốc tế cao như Chuyện tử tế, Hà Nội trong mắt ai, Đường dây lên sông Đà,…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đạo diễn Lê Hoàng đặt vấn đề tại sao kinh tế, nghệ thuật, phim truyện đều rất phát triển nhưng phim tài liệu lại không tương xứng với hoàn cảnh xã hội?
Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm bày tỏ sự đồng tình với đạo diễn Lê Hoàng khi nhận định Việt luôn đầy ắp chất liệu để thực hiện phim tài liệu. Nhắc lại quá trình các bộ phim tài liệu mà đạo diễn Lê Hoàng liệt kê, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cho rằng những bộ phim tài liệu ngày xưa được sản xuất theo định hướng của nhà nước, khi ấy thị trường phim truyện hay thương mại gần như chưa phát triển.
Sau khi những sự kiện lớn qua đi, đất nước bắt đầu phục hồi kinh tế. Khi đó, những bộ phim tài liệu vẫn được quan tâm và làm về hậu chiến như phim Chị Năm khùng. Tuy nhiên việc đầu tư và quan tâm đến phim tài liệu ngày càng ít đi nên phim tài liệu dần hạn chế. Đến khi đạo diễn Nguyễn Thị Thắm bắt tay thực hiện phim tài liệu thì không phụ thuộc vào nhà nước hay bất kỳ nguồn kinh tế nào trong nước mà hoàn toàn mang tính cá nhân. Do đó, nữ đạo diễn cho rằng không có một cơ sở sản xuất phim tài liệu đủ lớn để tạo thành hệ thống phát triển đều đặn và mạnh mẽ.
Trước quan điểm của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, đạo diễn Lê Hoàng phản biện rằng: “Chưa bao giờ phim tài liệu khó khăn như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ phim tài liệu dễ dàng như bây giờ”. Bởi vì kỹ thuật quay phát triển đến mức một chiếc điện thoại cũng có thể quay phim. Ngay cả máy quay phim cũng rất nhỏ, rẻ tiền và có thể quay với ánh sáng thật. Nếu như ngày trước đạo diễn Lê Hoàng từng quay tài liệu với một chiếc máy quay lớn, có tiếng ồn làm nhân vật mất tự nhiên, thì máy quay bây giờ êm ái, không cần ánh sáng, giúp việc quay phim trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, ngày xưa phim tài liệu đa phần do nhà nước làm nên sẽ qua các khâu kiểm duyệt về bản nháp, kịch bản,… Còn hiện tại, các bước này đã được lược giản. Quan trọng hơn là phim tài liệu ngày nay có nhiều nơi để phát sóng như trên các nền tảng mạng xã hội.
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng phim tài liệu ít phát triển vì những người làm phim chưa chạm đến những vấn đề tâm tư của người dân. Đó cũng chính là lý do bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng do đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cầm trịch nổi tiếng đến thời điểm hiện tại, vì chạm đến sự hiếu kỳ, tò mò của khán giả cũng như chạm đến trái tim vừa đồng cảm, vừa thương xót của người xem về góc khuất của đoàn hát lô tô.
Là một đạo diễn được đánh giá cao trong nghề nhưng bộ phim đình đám gần nhất của Nguyễn Thị Thắm cũng đã cách đây 10 năm. Đạo diễn Lê Hoàng đặt câu hỏi liệu rằng đây có phải là lỗi tại bản thân đạo diễn Nguyễn Thị Thắm hay không?
Nữ đạo diễn thừa nhận trong 5 năm sau khi thực hiện bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, cô gặp nhiều khó khăn trong việc chưa có bộ phim tiếp theo. Trong suốt 10 năm kể từ khi ra mắt phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cũng đã hoàn thành một bộ phim dài nhưng vì một số lý do nên bộ phim này không xuất hiện để mọi người biết đến. Song, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cũng đồng ý với đạo diễn Lê Hoàng rằng khi bản thân đang có đà phát triển nhưng lại “dậm chân tại chỗ” lâu như vậy thì sẽ bị ngắt quãng. Nữ đạo diễn chia sẻ bản thân cô cũng rất lo lắng và hoài nghi khi bắt tay thực hiện bộ phim mà sắp tới sẽ xuất hiện trước công chúng.
Cuối chương trình, đạo diễn Lê Hoàng nhận định phim tài liệu mang tính biểu tượng rất cao. Nhiều người nghĩ rằng phim truyện mới gửi gắm thông điệp còn phim tài liệu là sự chân thật. Nhưng đối với đạo diễn Lê Hoàng, khi sự chân thật được sắp xếp một cách nghệ thuật và có tư tưởng thì tính biểu tượng của phim tài liệu còn cao hơn cả phim truyện.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Bảo tồn đàn đá với sự tham gia của host Minh Đức và nghệ nhân đàn đá Trương Đình Chiếu sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 13/8 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Nguồn tin – Ảnh: Pr Jet Studio