LỜI CẢNH BÁO: GIẢ MẠO NGÂN HÀNG LỪA QUÉT MÃ QR

LỜI CẢNH BÁO: GIẢ MẠO NGÂN HÀNG LỪA QUÉT MÃ QR

By Nhịp sống

Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây như: Cảnh giác thủ đoạn dùng thuốc hướng thần để thôi miên, cướp tài sản và giả mạo ngân hàng lừa quét mã QR.

Cảnh giác thủ đoạn dùng thuốc hướng thần để thôi miên, cướp tài sản

Vừa qua công an thành phố Vũng Tàu đã tiếp nhận về tin báo 4 vụ cướp tài sản trên địa bàn. Các nạn nhân cho biết thời điểm diễn ra vụ việc bản thân rơi vào tình trạng mất kiểm soát không thể tự chủ. Nhìn thấy các vụ án xảy ra có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nghi vấn tội phạm sử dụng thuốc có chất kích thích gây ảnh hưởng tính mạng sức khỏe nạn nhân, công an thành phố Vũng Tàu đã vào cuộc điều tra bắt giữ nhóm đối tượng gây ra các vụ việc trên.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thư Thanh Trâm (Bộ môn Thần kinh – Tâm thần, Khoa Y, Trường

Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết, các loại thuốc hướng thần có tác dụng thôi miên thuộc nhóm có tác dụng ức chế hệ thần kinh hoặc gây ảo giác. Sau khi tiếp xúc trong khoảng thời gian 2 đến 3 phút, người bị hại rơi vào trạng thái lú lẫn, suy giảm ý thức, từ đó làm tiền đề để các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm tội.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải (Trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết, với cách thức gây án này, người phạm tội đưa nạn nhân rơi vào tình trạng không còn khả năng quản lý tài sản, và các đối tượng sẽ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản và mức xử phạt có thể lên đến án tù chung thân.

Để cảnh giác, chủ động bảo vệ an toàn cho bản thân và người thân trong gia đình, chúng ta cần cảnh giác với những người lạ mặt, không nói chuyện hoặc đứng ngồi quá gần; thông báo cho người thân hoặc bạn bè khi chúng ta có kế hoạch đi ra ngoài hay tham gia bất kì hoạt động nào.

Giả mạo ngân hàng lừa quét mã QR

Trong vài năm gần đây hình thức thanh toán qua mã QR dần trở nên phổ biến, cũng vì sự tiện ích và sự phổ biến ngày càng rộng rãi mà các nhóm tội phạm mạng đã lợi dụng tạo ra mã QR độc hại để lừa lấy thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Thạc sĩ Phạm Văn Khoa – Trưởng ngành Máy tính – Viễn thông, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết hiện nay các đối tượng lừa đảo khi có được những thông tin cơ bản của đối tượng họ nhắm đến, chúng mồi chào nạn nhân bằng cách hình thức rút thẻ tín dụng bằng tiền mặt hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng, cũng như yêu cầu cung cấp thông tin cho ngân hàng để hoàn thành các thao tác chuyển đổi giúp các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải (Trường Đại học Luật TP.HCM) chia sẻ, đối với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào các trường hợp cụ thể có thể bị phạt hành chính lên đến 5 triệu đồng. Ngoài ra các hành vi mạo danh người khác chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng thuộc trường hợp pháp luật quy định có thể bị xử lý về tội chiếm đoạt tài sản. Và theo đó mức xử phạt trách nhiệm hình sự thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, nặng hơn có thể phạt tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 5 trăm triệu đồng trở lên.

Để phòng tránh việc lừa đảo qua mạng, người dùng cần cẩn trọng khi tiếp nhận và xử lý thông tin ngay cả khi đã bị lừa. Cảnh giác với các yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ, các ngân hàng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, 3 số bảo mật mặt sau thẻ hoặc bất kỳ thông tin bảo mật cá nhân nào khác của khách hàng qua mạng xã hội hoặc số điện thoại không định danh.

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Chia sẻ