LUẬT SƯ TRƯƠNG THỊ HÒA VÍ NGHỀ LUẬT SỰ VÀ BÁC SĨ NHƯ ‘LÁNG GIỀNG’

LUẬT SƯ TRƯƠNG THỊ HÒA VÍ NGHỀ LUẬT SỰ VÀ BÁC SĨ NHƯ ‘LÁNG GIỀNG’

By TV Show

Trong tập 69 chương trình Kính Đa Chiều, luật sư Trương Thị Hòa có những chia sẻ, giải thích về đạo đức nghề nghiệp của một luật sư. Ngoài những đặc trưng riêng, đạo đức nghề nghiệp của luật sư cũng dựa trên nguyên tắc đạo đức của một con người.

Mở đầu chương trình Kính Đa Chiều với chủ đề Đạo đức nghề nghiệp của luật sư, luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư TP.HCM đồng tình với đạo diễn Lê Hoàng về nhận định đạo đức nghề nghiệp của luật sư có phần đặc thù hơn so với những ngành nghề khác.

Theo luật sư Trương Thị Hòa, đạo đức nghề nghiệp của luật sư là một vấn đề mang tính truyền thống nhưng luôn mới mẻ. Vì mỗi thời kỳ, có những hoàn cảnh sống khác nhau, đòi hỏi người luật sư phải thích nghi với cuộc sống nhưng vẫn phải giữ vững đạo đức nghề nghiệp.

Trước tiên, đạo đức nghề nghiệp của luật sư dựa trên nền tảng đạo đức của con người. Luật sư Trương Thị Hòa lấy ví dụ, một người luật sư phải là một công dân trung thực, giữ uy tín và sống chân thành với mọi người. Trên nền tảng đó, người luật sư cần trau dồi những đặc trưng của nghề nghiệp.

“Vì chúng ta biết nhiều tâm sự, nhiều chuyện riêng tư của khách hàng, doanh nghiệp hay cơ quan nào đó, thậm chí chúng ta còn biết chuyện gia đình nên đạo đức nghề nghiệp đầu tiên của luật sư là giữ bí mật. Có những công ty, đặc biệt là những công ty nước ngoài trước khi ký hợp đồng với luật sư về dịch vụ pháp lý thì buộc phải làm bản thỏa thuận ký với nhau giữ bí mật, thì tôi nói yên tâm, truyền thống của nghề luật sư là giữ bí mật dựa trên 4 chữ là toàn vẹn, vĩnh viễn. Toàn vẹn là không mẻ chút nào, phải ráng giữ hết tất cả. Vĩnh viễn có nghĩa là sống để bụng, chết mang theo”, khách mời chương trình Kính Đa Chiều chia sẻ.

Luật sư Trương Thị Hòa cho biết có nhiều trường hợp khách hàng đến trút niềm tâm tư, trải lòng nên bà rất trân trọng điều này. Theo giải thích của nữ khách mời, luật sư có nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp là phải giữ bí mật khách hàng nhưng trong đó còn có nghĩa là trân trọng chuyện đời người, vì luật sư là người chuyên chở nhiều tâm sự.

Một khía cạnh quan trọng khác của đạo đức nghề nghiệp của luật sư là làm rõ sự thật và phục vụ công lý. Luật sư không có nhiệm vụ biến người có tội thành không tội hay ngược lại, mà phải xem xét tình huống phạm tội, động cơ và nhân thân của người phạm tội để đề xuất khoan hồng. Luật sư Trương Thị Hòa giải thích: “Cho nên không có nghĩa luật sư biến có thành không, biến không thành có hay đổi trắng thay đen mà chính là làm rõ sự thật. Chính vì vậy, luật sư là trợ giúp công lý, hỗ trợ, phụng sự công lý”.

Nữ khách mời chương trình kể lại trong chuyến bay dự hội nghị ở Malaysia, luật sư Trương Thị Hòa ngồi gần một nữ bác sĩ và có cuộc trò chuyện về điểm giống nhau giữa bác sĩ và luật sư. Theo luật sư Trương Thị Hòa, bác sĩ và luật sư là “láng giềng” vì nếu bệnh nhân sắp không qua khỏi thì bác sĩ vẫn động viên sẽ cố gắng và luật sư cũng tương tự. Khi khách hàng rơi vào án tử hình thì luật sư cần phân tích các mặt để tạo thêm hy vọng cho khách hàng.

Tuy nhiên có những tình tiết khách hàng cũng biết thì luật sư không lừa dối, nên nói sự thật nhưng vẫn tạo hy vọng cho khách hàng. “Hy vọng rất quan trọng, cho khách hàng hy vọng là cho thêm sức lực để chiến đấu, tự bảo vệ bản thân, bên cạnh sự bảo vệ của luật sư”, luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ.

Vào năm 2000, luật sư Trương Thị Hòa gặp khách hàng là một người mẹ có con bị tuyên án tử hình sơ thẩm tâm sự rằng con trai dứt khoát muốn nhờ bà làm luật sư bào chữa trong phiên phúc thẩm. Khi luật sư Trương Thị Hòa đọc bản án thì từ chối vì không thể làm khác được trong phiên xét xử phúc thẩm.

Sau chuyến thăm con trai phạm tội, người mẹ tiếp tục nhờ luật sư Trương Thị Hòa bào chữa vì con trai nói rằng: “Nếu luật sư Trương Thị Hòa bào chữa mà vẫn bị tuyên án tử hình thì cũng vẫn vui”. Do đó, nữ luật sư đã nhận bào chữa trường hợp này. Để hiểu rõ khách hàng, luật sư Trương Thị Hòa vào trại giam để làm việc với bị cáo. Khi gặp mặt, bị cáo cũng nói rằng rất vui vì luật sư Trương Thị Hòa nhận bào chữa.

Một chiều khi nữ luật sư tan làm thì thấy bao gạo trước nhà. Luật sư Trương Thị Hòa hỏi ra mới biết là mẹ của bị cáo mang đến. Hôm sau, luật sư Trương Thị Hoa gọi điện thì được mẹ của bị cáo bảo rằng con trai dặn dò phải mua gạo cho luật sư vì luật sư lo nhiều việc.

Dẫu luật sư Trương Thị Hòa giúp đỡ, làm rất nhiều đơn từ nhưng bị cáo vẫn không thể thay đổi bản án vì người này từng có tiền án. Sau đó bị cáo đã bị thi hành án. Theo luật sư Trương Thị Hòa, dù luật sư nhìn thấy trước kết quả những vẫn phải làm vì khách hàng đã đặt hy vọng vào luật sư.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Thực trạng nhạc thiếu nhi hiện nay với sự tham gia của host Minh Đức và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 23/4 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

,

Chia sẻ