NGHỆ SĨ BẠCH LONG NGÁN NGẪM VÌ TIỀN TÁC QUYỀN CẢI LƯƠNG HÉT GIÁ TRÊN TRỜI

NGHỆ SĨ BẠCH LONG NGÁN NGẪM VÌ TIỀN TÁC QUYỀN CẢI LƯƠNG HÉT GIÁ TRÊN TRỜI

By TV Show

Trong những số đầu tiên của Kính Đa Chiều, khán giả được gặp gỡ nữ MC Phương Uyên, host – đạo diễn Lê Hoàng và khách mời – nghệ sĩ Bạch Long để cùng bàn luận về vấn đề Tác quyền trong nghệ thuật cải lương.

Tác quyền đang trở thành một trong những vấn đề “nhức nhối” của nghệ thuật cải lương hiện nay. Thời xưa, các đoàn hát cải lương thường tập hợp đầy đủ các thành phần trong một đoàn. Người viết các vở tuồng cải lương cũng nằm trong số đó, có thể là bất kì ai trong đoàn. “Mỗi đoàn hát gần như họ đều có tác giả riêng, phong cách riêng và nghệ sĩ riêng. Đặc biệt, giữa các đoàn hát không có chuyện lấy tuồng tích của nhau”, Lê Hoàng nhận định.

Sau này, với sự phát triển thì các tác giả chuyên nghiệp xuất hiện, họ không nằm trong đoàn hát. Họ viết tác phẩm, đoàn nào sử dụng thì trả tiền. Lúc bấy giờ, vấn đề tác quyền trong cải lương mới được đặt ra. “Những ngày đầu của cải lương, tác quyền được sinh ra một cách tự nhiên và hồn nhiên”, Lê Hoàng và Bạch Long cùng thống nhất quan điểm.

Ngày trước, vấn đề tác quyền cải lương không được đặt nặng bởi người viết vốn là người của đoàn hát. Quan trọng hơn, những tác phẩm cải lương thời xưa chủ yếu được truyền miệng, ít mang tính văn bản. “Điển hình đoàn Minh Tơ của tôi ngày xưa, chúng tôi hát cương không. Có khi buổi tối chỉ cần bàn nhau hát cái gì, làm điệu bộ ra sao, đoạn này diễn thế nào. Vậy là lập thành văn, rồi người này thuộc, người kia nhớ rồi truyền lại cho con cháu”, nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ.

Câu hỏi được đặt ra là: “Ở những ngày đầu của cải lương, sự tranh chấp bản quyền có không và ở mức độ nào?”. Nghệ sĩ Bạch Long trả lời: “Trước đây không có việc tranh chấp vì các tuồng đều bằng văn bản miệng thì tranh chấp kiểu gì”. Bên cạnh đó, các đoàn hát ngày xưa đều cố giữ cho mình một phong cách riêng với những tác phẩm tuồng độc bản. “Ông có mời tôi cũng không lấy”, host Lê Hoàng hài hước nói.

Một trong những lý do thiết yếu khiến cải lương không phát triển mạnh được là do vấn đề tác quyền quá phức tạp. “Có những người nắm tác quyền quá khó tính, thậm chí là ích kỷ, làm cho việc diễn cải lương đã khó nay càng khó hơn. Thà họ để vứt đi chứ xin hay mua thì lấy giá rất đắt hoặc đòi hỏi điều kiện ngặt nghèo”, đạo diễn Lê Hoàng chua xót nói. Là người trong cuộc, nghệ sĩ Bạch Long phải thừa nhận sự thật đau lòng này.

Host Lê Hoàng cho biết đa số các tác giả cải lương nổi tiếng đều đã mất. Việc con cháu của những soạn giả ấy thừa kế và đối xử với di sản cha ông để lại khiến cho những tác phẩm cải lương gặp “nguy hiểm”. Nghệ sĩ Bạch Long cùng chung cảm xúc: “Chính xác, tôi mệt mỏi những người thừa kế lắm”. Thay vì tính hào sảng ngày xưa thì ngày nay những người nắm giữ bản quyền lại quá để ý tới vật chất mà quên rằng tác giả luôn thích tác phẩm của mình được nhiều người hát.

“Thực chất, những kịch bản đó cũng có phải của cha ông mình đâu, đều là vay mượn từ nước ngoài, chuyển thể lại thành của mình, để trong tủ mọt nó ăn mục nát hết rồi vì có ai hát đâu. Vì mấy đứa nhỏ nó muốn hát lại khó khăn. Tôi mới thầm nghĩ làm vậy để chi?”, nghệ sĩ Bạch Long nêu ý kiến. Học trò của Bạch Long từng bị đòi tới 15 triệu tiền tác quyền để được diễn một tác phẩm dự thi ở trường với độ dài chỉ 10 phút. Host Lê Hoàng lắc đầu nói thêm, giá trị của một tác phẩm là nó phải sống trong xã hội và muốn sống thì phải có nhiều người hát.

Hiện nay, giới trẻ đang có phong trào phục hưng lại văn hóa truyền thống, trong đó có cải lương. Thế nhưng hành trình ấy lại không thuận lợi khi gặp vô vàn khó khăn. “Muốn phục hưng thì phải diễn lại, muốn diễn lại phải có tuồng tích, lại phải đi kiếm tuồng tích ấy, tìm những người thừa kế để đàm phán bản quyền,…”, Lê Hoàng chỉ ra điểm bất lợi.

Host Kính Đa Chiều thẳng thắn chỉ ra cải lương đang gây khó khăn cho chính mình. Với Bạch Long, là người sống trong nghề cũng phải ngậm ngùi thừa nhận sự thật đau lòng này. “Những bạn trẻ vực dậy cải lương phải đi vay mượn những cái cũ vì đâu ai viết vở mới nữa. Vậy mà hoạnh họe mấy đứa nhỏ, tiền thì cao, câu văn thì không được sửa đổi cho hợp thời”, Bạch Long cho biết.

Bên cạnh thảo luận với khách mời, Kính Đa Chiều còn có cuộc phỏng vấn nhanh trực tiếp nghệ sĩ Gia Bảo. Anh chia sẻ khi phục dựng lại những tác phẩm kinh điển vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ gia đình của những soạn giả đã qua đời. Bên cạnh đó, một số trường hợp gây khó khăn, gia đình của nhà soạn giả không muốn ai sử dụng lại tác phẩm đó theo di nguyện của người mất.

Kết luận, host Lê Hoàng nhắn nhủ đến những người thừa kế các tác phẩm cải lương rằng đòi hỏi bản quyền là đúng nhưng bản quyền tinh thần mới là quan trọng. MC Phương Uyên nhấn mạnh quan điểm: “Ai ai cũng trân quý cải lương, mong muốn nó được bảo tồn và phát triển. Song đó quyền tác giả phải luôn được tôn trọng, đó là vấn đề không thể chối cãi. Nhưng cư xử ra sao để không ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của nó, đó mới chính là vấn đề mà chúng ta cần bàn luận. Suy cho cùng, giá trị lớn nhất của một tác phẩm là phải được sống trong xã hội”.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Những câu chuyện với nhiều chủ đề nổi cộm trong nhiều lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, hội họa, điêu khắc, văn học, điện ảnh, thể thao, ẩm thực và phong cách sống.

Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều từ những cuộc đối thoại sâu sắc nhằm thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc. Bên cạnh đó, chính khán giả cũng được tương tác với chương trình thông qua đường dây nóng.

Kính Đa Chiều được phát sóng vào lúc 20h00 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV9, bắt đầu từ 15/1/2024. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

,

Chia sẻ