THÊM MỘT TIỂU THUYẾT LAY ĐỘNG VỀ TÌNH NGƯỜI, TÌNH YÊU CỦA HỒ ĐIỆP THANH THANH
Đông đảo người thân, bạn bè, đặc biệt là các nghệ sĩ, nhà báo tới tham dự, chúc mừng nhà báo, tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh ra mắt tác phẩm thứ hai – tiểu thuyết “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi”.
Tại sự kiện, TS âm nhạc, Trưởng khoa thanh nhạc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, NSƯT Tân Nhàn đã quyết định dành 100 triệu mua tác phẩm mới của tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh để tặng các sinh viên của mình. Tân Nhàn chia sẻ, cô rất nể trọng lao động của những người viết sách, bởi đó là lao động vô cùng vất vả. Không chỉ là một người bạn thân thiết với tác giả, Tân Nhàn còn bày tỏ yêu thích tác phẩm của Hồ Điệp Thanh Thanh từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Tìm em giữa ngàn sao lấp lánh” nên cũng rất đón đợi tác phẩm mới. Bên cạnh là một tiểu thuyết “ngôn tình”, tác phẩm còn chứa đựng những thông điệp đẹp đẽ, thấm đẫm tình người, đầy nhân văn, vì vậy, Tân Nhàn muốn lan toả tác phẩm đến với học sinh của mình, đồng thời để bày tỏ sự mến trọng của mình đến tác giả đã dày công viết nên một tác phẩm đầy ý nghĩa này.
NSƯT Tân Nhàn cùng NSƯT Tố Nga, Sao mai Thu Hà, ca sĩ Hương Ly hát tại sự kiện để chúc mừng tác giả. Bên cạnh đó, sự kiện có sự tham gia của các nghệ sĩ, nhạc sĩ: nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, diễn viên Phan Minh Huyền, NTK Cao Minh Tiến, ca sĩ Mai Diệu Ly, ca sĩ Trần Tùng Anh, MC Mỹ Lan…
“Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi” là tiểu thuyết thứ 2 của tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh, sau bộ tiểu thuyết rất thành công “Tìm em giữa ngàn sao lấp lánh” phát hành năm 2021. Bản thảo đầu tiên của truyện được hoàn thành vào mùa hè 2021, trong giai đoạn mà chính tác giả cũng như mỗi chúng ta dường như còn chưa biết thế giới này sẽ đi về đâu giữa đại dịch Covid-19. Nhưng phải đợi 3 năm sau, khi đại dịch đã lùi dần vào ký ức, thì tác giả mới đủ bình tâm để đưa những câu chuyện nhân sinh ngày đó đến với bạn đọc trong nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Bởi nhân sinh nhiều nước mắt…
Dù ngay ở phần mở đầu, tác giả đã giãi bày rằng, đây là tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, bối cảnh, nhân vật, sự kiện không liên quan đến hiện thực mà chỉ là câu chuyện ở thành phố giả tưởng mang tên Nam Yên trong một đại dịch có tên là Moros+. Thế nhưng, tất cả những sự giãi bày đó không thể ngăn được người đọc liên tưởng…
Chúng ta còn nhớ, vào những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành, có một phóng sự bom tấn trên truyền hình về những giây phút nghẹt thở ở một phòng cấp cứu, khi các y bác sĩ và cả các bệnh nhân trong những bộ đồ bảo hộ kín mít quay cuồng giành giật sự sống từ tử thần. Phóng sự đó không có lời bình, chỉ có những tiếng hô gấp gáp, những tiếng kêu gào sợ hãi, hoảng loạn…
Hàng triệu người đã nín thở xem phóng sự đó với cảm giác tái tê trong lòng về một cuộc chiến quá đỗi tàn khốc.
Và rồi chúng ta cũng đi qua đại dịch. Cuộc sống dần trở lại bình thường với những vòng quay hối hả. Trong sự bận rộn ấy, đã có lúc ta phần nào cũng lãng quên đi khoảng thời gian hơn hai năm, chính ta, và cả thế giới, đã oằn mình chống dịch như thế nào.
Nhưng chắc chắn rằng những người trong cuộc, những y bác sĩ tận hiến sức lực và cả tính mạng mình trong đại dịch cùng những bệnh nhân ngấp nghé ngưỡng cửa tử thần sẽ không bao giờ quên. Nhưng tiếc rằng có quá ít tác phẩm đánh thức được những trải nghiệm tử sinh đó của tất cả chúng ta, để đến hôm nay và mãi mãi mai sau, chúng ta có thể nhớ lại. Và tiểu thuyết “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi” của tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh đã làm được điều đó.
Ra mắt khi đại dịch đã đi qua được 2 năm, cuốn tiểu thuyết như một cú chạm mạnh vào ký ức, khiến những năm tháng chúng ta đã từng trải qua sống động trở lại như mới hôm qua. Nó cho ta thấy giữa không khí ngột ngạt trong phòng cấp cứu kia – như những gì mà phóng sự trên truyền hình ghi lại – không chỉ có những âm thanh, hành động lạnh lùng mà còn có cả một thế giới tâm tư tình cảm của con người, có hoang mang, đau đớn tột cùng nhưng cũng có tình yêu, phản bội, hận thù, và thức tỉnh…
Thật ngạc nhiên, khi bằng một phép “biện chứng tâm hồn” đầy bản năng, tác giả có thể xây dựng nên cả một thế giới bao la về tâm tư, tình cảm của con người khi tất cả các nhân vật trong cả cuốn truyện hầu như đều ẩn mình trong những bộ đồ bảo hộ y tế kín mít như những phi hành gia. Tình yêu thuần khiết, trong veo như cơn mưa rào mùa hạ đã nảy nở một cách không thể tin được giữa một bên là cô bác sĩ (Hạ Vũ) có bề ngoài mỏng manh dễ vỡ, nhưng có trái tim sôi nổi nhiệt tình, một trái tim chí thiện, chí tình; còn bên kia là một nam tình nguyện viên, vốn là một bệnh nhân có nhiều ẩn ức trong quá khứ. Một tình cảm nảy nở với muôn vàn cung bậc khác nhau, tất cả đều được miêu tả tỉ mỉ giữa hai con người, dù là nam thanh nữ tú đấy, dù ở gần nhau thật đấy, nhưng phải đến nửa cuối truyện thì mới lần đầu tháo khẩu trang ra để… thấy mặt nhau; vậy mà những khoảnh khắc bên nhau, với họ, vẫn là mãi mãi.
Biết bao nhiêu diễn biến đậm chất “ngôn tình” xảy ra, khiến người ta rơi lệ để nói lên một điều về sức cảm hoá của những trái tim đã tự nguyện dâng hiến tận cùng cho nghề nghiệp, cho cuộc đời, cho cái Thiện. Tác phẩm cũng cho chúng ta thấy rõ: tình yêu, lòng bao dung và nhiệt huyết của những con người hết lòng vì nghề nghiệp, vì xã hội…chính là chìa khóa hóa giải mọi nghịch cảnh, mọi đau đớn, làm nên phép nhiệm màu trong thực tại này.
Đừng băn khoăn tại sao tiểu thuyết trong bối cảnh khốc liệt còn hơn “Dịch hạch” của Abert Camus lại thấm đẫm chất ngôn tình như thế. Lý do thật đơn giản vô cùng: là bởi vì nhân sinh trong những ngày tháng đó đã có quá nhiều nước mắt, nhưng và cùng với nước mắt cũng có vô vàn những tình yêu, những sự hy sinh – mà nếu không có, hẳn chúng ta đã không thể sống sót sau đại dịch. Cuộc đời với hai mặt như thế cứ thế đi vào trang sách.
Liệu chúng ta có thể quên những ngày đại dịch mà bệnh nhân chết không có người thân nào bên cạnh, được chuyển thẳng đến nhà xác rồi đài hỏa táng, để cuối cùng sẽ giao tro cốt về cho thân nhân?
“Cô nghĩ sinh reo mừng, tử rơi lệ, hành trình nào, thời khắc nào cũng cần có ít nhất một người thân bên cạnh, vậy mà, chặng thời gian này, những điều giản đơn, bình thường ấy lại không thể thực hiện được. Hạ Vũ rụt rè đề nghị: Mình, có nên… mặc niệm một chút cho họ đỡ tủi thân không chị”? Đó là lời đề nghị của nhân vật bác sĩ Hạ Vũ.
Quá nhiều những mảnh đời bất hạnh như thế hiện ra trong từng trang sách: “Trên trán cau lại một nỗi khó nhọc đã ăn sâu một đời một kiếp. Đến khi ra đi vẫn không thể giãn ra được”. “Cuộc đời mỗi người vốn luôn gánh trên vai đủ mọi trách nhiệm, phận sự, lo toan vô cùng nặng nề, nếu cộng tất cả những nặng nề ấy lại, thật sự là gánh nặng không thể đo tính. Vậy mà lúc này, tất cả lại chỉ nhẹ tênh trên đầu mấy ngón tay”. Đó là tâm trạng của nhân vật Hoàng Phi khi vượt 200 cây số đi giao tro cốt cho thân nhân người bệnh chết vì đại dịch.
Không chỉ là tiểu thuyết “ngôn tình”…
Nhưng truyện không chỉ có bức tranh u ám, mà chính bức tranh u ám ấy lại trở thành phông nền cho tình yêu nảy nở. Chàng tình nguyện viên Hoàng Phi khi đưa nữ bác sĩ Hạ Vũ đi đến những con ngõ chết chóc chìm trong đại dịch vẫn nhìn thấy những bông bằng lăng nở muộn. “Khi nãy, phát hiện cây bằng lăng này nở muộn, tôi cố tình vòng ra đây đậu xe để khi bác sĩ mệt ngồi chỗ lãng mạn thế này sẽ bớt mệt! Và… để sau này mỗi mùa hoa nở thì đều sẽ nhớ lại ngày này, lúc này chúng ta bên nhau. Mùa hoa năm nay nở thật lãng phí, khi cả đường chẳng có mấy bóng người. May mà thế nào lại có cây này nở muộn…”.
Bìa sách được thiết kế vô cùng lãng mạn, tinh tế, đẹp mắt cộng với tên sách “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi” khiến người ta dễ bị đánh lừa đây là một tiểu thuyết ngôn tình, thoát ly thực tại. Thực tế, với dung lượng hơn 220.000 chữ trong 552 trang sách khổ 15×23, tác phẩm là một bức tranh sống động về cõi nhân sinh giữa đại dịch, một bản nhạc giao hưởng của tình người, tình đời với đầy đủ các cung bậc cảm xúc: đau đớn, bi thương, uất nghẹn, yêu thương, đồng cảm, thăng hoa hạnh phúc khiến những ai đã cầm lên khó lòng đặt xuống, thổn thức theo từng trang viết mà không biết nước mắt rơi tự lúc nào.
Hồ Điệp Thanh Thanh chia sẻ: “Truyện “ngôn tình” thường là về tình yêu lãng mạn, nhiều khi thoát ly thực tại. Còn truyện của tôi không biết “ngôn tình” đến mức nào, nhưng tôi luôn muốn gắn với bối cảnh thực tại. Một thực tại khốc liệt mà tất cả chúng ta đều biết”.
Biên tập viên Mai Huê, Cty TNHH Văn hóa Đông Tây, đơn vị phát hành tác phẩm cũng người là đã đồng hành cùng tác giả thực hiện xuất bản ấn phẩm, chia sẻ: “Khi khép lại trang cuối của Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi, không hiểu sao trong đầu tôi cứ vang vọng câu nói của Pascal, đại ý rằng, Trái tim có những lí lẽ của nó mà lí trí không sao lí giải được. Phải chăng Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi có quá nhiều điều như thế, những điều chạm đến trái tim người đọc – những lí lẽ vô ngôn nhưng vô cùng quyền lực, chiến thắng mọi sự hoài nghi, mọi phán xét, mọi thử thách, mà nếu chỉ dùng trí óc và lí lẽ để cân nhắc sai đúng thiệt hơn, sẽ không bao giờ có.
Mối tình trong trẻo của cô bác sĩ trẻ Hạ Vũ và chàng trai ngang tàng – chàng tình nguyện viên vốn là bệnh nhân Hoàng Phi, có lẽ là một trong những minh chứng rõ ràng nhất, sinh động nhất cho việc trái tim có những lí lẽ của riêng nó mà lí trí không sao lí giải được. Cũng chỉ trái tim, với những lí lẽ riêng có, nó mới có thể giúp con người mạnh mẽ đối diện với những xước xát chưa từng được xoa dịu, dũng cảm chạm thêm lần nữa vào trái tim vẫn đang rỉ máu của mình, để bóc tách từng lớp tổn thương, “tự chữa lành” cho mình và cũng là cho người khác cơ hội được sống thanh thản, có ý nghĩa. Những tuyến nhân vật vệ tinh xoay xung quanh nam, nữ chính, tất cả đều có hoàn cảnh riêng, tâm sự riêng thật khó giãi bày, nhưng ngay khi họ cảm nhận được sự chân thành tuyệt đối của đối phương, nỗi lòng họ bỗng tự khắc trào ra như suối, yêu thương và tin cậy”.
“Lâu lắm tôi mới lại đắm chìm trong tiểu thuyết ngôn tình của một tác giả Việt Nam. Vẫn khóc được, cười được, vẫn tim đập chân run, vẫn hồi hộp đến độ vô thức đặt tay lên ngực, mắt nhắm nghiền, rồi sau đó chẳng biết mình đang ở thế giới nào, mình đang làm gì, đang trải qua thứ cảm xúc của ai…” – BTV Mai Huê bày tỏ.
Bà Phương Thùy, Trưởng ban Văn học, NXB Văn Học, nhận định, tiểu thuyết “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi”… là một áng văn đẹp đẽ, một câu chuyện tình nảy nở ở một không gian đặc biệt, ấy là bệnh viện, nơi mà sự sống – cái chết chỉ cách nhau một khe cửa hẹp và một thời gian cũng đặc biệt không kém – thời Covid-19, khi ấy vaccine chưa phủ diện rộng, hầu hết chúng ta đều mang tâm lý sợ hãi khi đối mặt với Covid, song “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi” đã cho độc giả một cái nhìn thật khác về đại dịch, có mất mát, có vất vả, có đau thương, có lạc quan, có ấm áp, có “soái ca”. Đây đích thị là một kiểu “ngôn tình” rất Việt Nam, dung dị, ấm áp và ngời tình người.
Chạm đến trái tim độc giả bằng những điều giản dị, tự nhiên
Tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh cho biết, đã mất 3 năm để hoàn thành tác phẩm này. Tuy nhiên, bản thảo đầu tiên được tác giả hoàn thành trong thời gian không dài, từ giữa năm 2021. Những dòng cuối cùng bản thảo đầu tiên của tác phẩm được Hồ Điệp Thanh Thanh viết đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát… Sau đó tiếp tục là quãng thời gian cả nước gồng mình phòng, chống đại dịch, rồi nhờ sự nỗ lực phi thường, đại dịch cũng qua đi, chúng ta đón nhận cuộc sống “bình thường mới”… Tất cả mọi người, trong đó có tác giả, lại hối hả bước vào cuộc sống với bộn bề công việc.
Trong chính bối cảnh đó, Hồ Điệp Thanh Thanh đã lựa chọn không vội vã, bởi tác giả cần một độ lùi cần thiết cho chính mình và cho tất cả chúng ta có đủ thời gian để chiêm nghiệm về những gì mình đã trải qua, để biết đâu là giá trị, là sức mạnh thật sự, là thứ còn lại sau rốt của cuộc đời…
Bản thân Hồ Điệp Thanh Thanh cũng tự nhận đã chọn một đề tài rất khó ở tiểu thuyết này, bởi tác giả là người “ngoại đạo” với ngành y, hơn nữa những gì chúng ta đã trải qua ở đại dịch từng quá khốc liệt, rất khó để nói hết, nói đủ được. Vì vậy, Hồ Điệp Thanh Thanh tìm cho mình một góc nhìn riêng ở một câu chuyện giả tưởng với mong muốn thông qua văn học, giữ lại một phần nhỏ nào đó ký ức về những ngày chúng ta đã đi qua và đã sống sót, hy vọng mỗi người sau khi đọc sẽ trân quý hơn cuộc sống bình thường mà ta đang có.
“Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi là cuốn tiểu thuyết “dày dặn” thứ hai của tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh, cây bút tự nhận là “tay ngang” nhưng lại chọn tiểu thuyết làm thể loại theo đuổi cho mình. Dùng lí trí để nhìn nhận, đó hẳn là một quyết định liều lĩnh. Dùng trái tim để cảm nhận, tác giả hẳn có một niềm đam mê mãnh liệt với chữ nghĩa, với viết lách, với những tâm sự ngổn ngang của biết bao mảnh đời đan quyện vào nhau một cách rối rắm (nhưng cũng thật trật tự) trong đời sống hỗn độn ngoài kia; để rồi không thể không viết, và cứ thế viết theo phép “biện chứng tâm hồn” một cách bản năng. Và cái gì xuất phát từ trái tim cũng sẽ đi đến được trái tim. Hồ Điệp Thanh Thanh đã chạm đến trái tim của biết bao độc giả chỉ với những điều giản dị và tự nhiên như thế, đầy cảm xúc”- BTV Mai Huê nhận định.
Sau hai bộ tiểu thuyết, Hồ Điệp Thanh Thanh đã định hình là cây viết trữ tình, lãng mạn, rất tài tình trong việc “lấy nước mắt” độc giả qua những câu chuyện nhân sinh thấm đẫm tình người, có đau khổ, bất hạnh nhưng luôn ấm áp. Nếu tiểu thuyết đầu tiên “Tìm em giữa ngàn sao lấp lánh” là chuyện vượt lên bệnh tật để sống và yêu đến giây phút cuối cùng thì “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi” có sự chiêm nghiệm, cứng cỏi hơn trong ngòi bút, mà vẫn giữ được sự trong vắt đáng quý. Nó cho thấy tác giả đã bước một bước dài trên con đường của mình mà vẫn giữ được tâm thế hồn nhiên của những ngày đầu tiên chạm ngõ văn chương.
Hồ Điệp Thanh Thanh cũng chia sẻ, dù tiểu thuyết đầu tay “Tìm em giữa ngàn sao lấp lánh” được đông đảo độc giả đón nhận, được nhiều bài viết phê bình đánh giá tốt, nhưng tác giả không xem đó là áp lực đối với tác phẩm thứ hai của mình.
“Tôi viết trong tâm thế của người dạo chơi, muốn viết lên những xúc cảm mãnh liệt của mình trước cuộc sống vì vậy tôi chưa bao giờ có bất cứ áp lực nào trong văn chương. Tôi không viết văn để trở thành một cái gì đó, mà chỉ đơn giản là làm điều mình thích. Trong cuộc sống này, được làm điều mình thích chính là khát vọng của rất nhiều người, tôi có thể làm điều mình thích như vậy đã rất tốt rồi. Ở mỗi tác phẩm tôi đều viết với tâm thế dâng hiến, rút cạn tinh thần, tình cảm của mình cho nó trong một khoảng thời gian nào đó, vì vậy thành công hay thất bại của mỗi tác phẩm tôi đều trân trọng” – Hồ Điệp Thanh Thanh bày tỏ.
Là một nhà báo, người làm truyền thông, Hồ Điệp Thanh Thanh khá bận rộn, tác giả cho biết thường dành thời gian viết sách ở khoảng nghỉ của công việc. Và, cũng không có nhiều thời gian dành cho sáng tác. Tuy nhiên, tác giả cho biết sẽ tiếp tục dành thời gian viết khi những câu chuyện của cuộc sống còn thôi thúc.
Phát hành tiểu thuyết “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi”, tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh sẽ dành một phần doanh thu bán sách trong 3 tháng đầu tiên sẽ được để chia sẻ với những em nhỏ mồ côi do đại dịch, thiên tai. Hồ Điệp Thanh Thanh mong muốn, bằng sức nhỏ của mình có thể an ủi phần nào những mất mát mà các em phải gánh chịu trong cuộc đời này – đó cũng là một phần nội dung có trong “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi”.
Tiểu thuyết MÙA HÈ NĂM ẤY BÊN EM LÀ MÃI MÃI
NXB Văn học
Đơn vị phát hành: Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây
Giá bán: 293k/cuốn
Nguồn Tin – Ảnh: PR Hồ Điệp Thanh Thanh