TRƯƠNG MỸ DUNG TIẾT LỘ CẦN BẰNG CAO HỌC ĐỂ VIẾT SÁCH CHO THIẾU NHI
Là tác giả của nhiều đầu sách thiếu nhi nổi tiếng, song Trương Mỹ Dung cũng không khỏi ngậm ngùi vì các độc giả nhí dù thích sách đến mấy cũng khó nhớ tên cô.
Trương Mỹ Dung vốn là một chuyên gia truyền thông, đồng sáng lập tổ chức Ruy Băng Tím, tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam. Ngoài ra, Trương Mỹ Dung còn điều hành doanh nghiệp, mở nhiều lớp dạy Hán văn và là tác giả của nhiều tựa sách dành cho thiếu nhi.
Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều, Trương Mỹ Dung bật mí đến thời điểm hiện tại cô đã xuất bản 8 quyển sách dành cho độc giả nhí. Quyển đầu tiên ra mắt vào năm 2015 có tên Cậu có lấy hạt của tớ không?. Sau đó, nữ tác giả phát hành những quyển sách thiếu nhi khác như Gà trống muốn ngủ nướng, Hột điều của sóc, Kiến đen tìm mè, Vườn ổi chích chòe,… Gần đây nhất, Trương Mỹ Dung kết hợp cùng nhà xuất bản Đà Nẵng trình làng quyển sách Món quà đu đủ.
Theo Trương Mỹ Dung, thị trường sách thiếu nhi tại Việt Nam đang có tín hiệu đáng mừng khi ngày càng đa dạng về nội dung chủ đề lẫn hình thức. Trong đó có cả những quyển sách tương tác khiến các bé thích thú. Tuy nhiên, phần lớn các sách này đều là sách ngoại, mua bản quyền nước ngoài và dịch ra tiếng Việt. Bao gồm các sách từ phương Tây của Mỹ, Trung Quốc,… và phổ biến nhất là sách tranh Ehon Nhật Bản.
Giải thích về lý do sách ngoại chiếm ưu thế, Trương Mỹ Dung nhận định là do quá trình xuất bản nhanh, gọn và chất lượng đã được thẩm định từ trước. Trong khi đó, quá trình phát hành một quyển sách thiếu nhi của tác giả Việt vô cùng phức tạp và tốn kém. Từ việc lên ý tưởng, viết kịch bản, tìm họa sĩ, cho đến công đoạn in ấn đều đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và chi phí.
Trương Mỹ Dung kể lại, trước khi phát hành một quyển sách thiếu nhi, cô phải gặp mặt biên tập viên của nhà xuất bản để trình bày ý tưởng, thông điệp. Sau khi đánh giá về nội dung và khả năng bán ra, Trương Mỹ Dung mới bắt tay vào việc viết sách. Nữ khách mời chia sẻ: “Quá trình viết của tôi khá lâu. Ở đây tôi có làm thơ năm chữ và quá trình này khá lâu để chuyển thành văn vần cho các bạn nhỏ dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu”.
Sau quá trình viết, Trương Mỹ Dung và nhà xuất bản còn phải tìm kiếm họa sĩ để vẽ minh họa. Nếu như các quyển sách thông thường chỉ cần trả tác quyền cho tác giả thì riêng sách thiếu nhi, nhà xuất bản còn trả thêm một khoản phí cho họa sĩ vì nội dung trong sách hầu như là tranh. Đặc biệt, việc in ấn sách thiếu nhi cũng tốn kém hơn vì yêu cầu về chất lượng giấy, màu in, gia công bo góc cẩn thận để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Chính vì phải đầu tư nhiều tâm sức, thời gian, tiền của nên sách thiếu nhi của tác giả Việt khá khan hiếm và có phần “lép vế” hơn so với sách ngoại.
Bên cạnh đó, Trương Mỹ Dung nhận định một phần lý do của vấn đề trên là vì các tác giả sách thiếu nhi Việt Nam ít được biết đến. Tác giả quyển sách Vườn ổi chích chòe cho biết: “Chẳng hạn tôi nói tôi là tác giả sách thiếu nhi nhưng ít người biết, bởi vì dù các bạn nhỏ thích truyện của tôi đến mấy thì cũng không thể nhớ tên tác giả hay bút danh”. Trương Mỹ Dung bật mí có bạn nhỏ thích truyện của cô đến mức từ không thích ăn trái cây chuyển sang ăn các loại hoa quả như đu đủ. Chuyển biến tích cực này được phụ huynh ghi nhận và gửi phản hồi về cho cô.
Tuy yêu thích sách của Trương Mỹ Dung là vậy nhưng các bạn nhỏ khó có thể nhớ đến tác giả là cô. Bên cạnh đó, đối tượng độc giả nhí cũng không có kinh tế, không có tiếng nói để mua sách ủng hộ mà phải thông qua phụ huynh. Ngay cả phụ huynh cũng khó có thể nhớ được hết tên tác giả khi thị trường sách thiếu nhi có muôn vàn sự lựa chọn.
Về mặt văn đàn, Trương Mỹ Dung quan sát thấy rằng những nhà văn viết cho thiếu nhi ít được biết đến cũng như ít được đánh giá cao. Trong khi đó, Trương Mỹ Dung cho biết bạn bè cô học sáng tác ở nước ngoài chia sẻ rằng nếu học kỹ thuật viết thông thường thì có thể học bằng đại học nhưng nếu viết cho thiếu nhi thì buộc phải học bậc cao học. Bởi vì sáng tác cho thiếu nhi yêu cầu nhiều yếu tố khác ngoài kỹ thuật viết thông thường do đối tượng tiếp nhận là các bé đang độ tuổi lớn, dễ nhạy cảm, dễ bị tổn thương nên cần được chỉ dạy nhiều điều.
Theo Trương Mỹ Dung, nhiều người mặc định viết cho thiếu nhi sẽ dễ dàng hơn hay tưởng rằng số lượng sách mà cô xuất bản rất nhiều nhưng thật sự chỉ là những quyển sách mỏng. Mỗi cuốn không quá 50 trang, mỗi trang có rất nhiều hình và không quá 5 dòng, mỗi dòng không đến 5 chữ.
Nghe đơn giản là thế nhưng quá trình viết lại rất khó. Cũng theo Trương Mỹ Dung, mức độ đầu tư cho sách thiếu nhi rất nhiều nhưng phần nhận được lại không như kỳ vọng tương xứng. Nữ khách mời cho biết nếu cô viết cho đối tượng khác như các em học sinh cấp 2, cấp 3 thì sẽ dễ nổi tiếng hơn và đối tượng độc giả cũng đã có thể tự chủ tài chính để mua một quyển sách. Tuy nhiên, nữ tác giả cũng không quá mong cầu sự nổi tiếng nhưng thực tế thị trường xuất bản sách thiếu nhi vẫn còn nhiều trở ngại. Chẳng hạn như chưa có những cộng đồng lớn để các tác giả học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tác phẩm cùng nhau.
Ngoài ra, Trương Mỹ Dung tiết lộ một tín hiệu đáng mừng trong thị trường sách thiếu nhi Việt Nam đó là có nhiều giải thưởng dành cho các tác giả trong nước. Điều này cho thấy dòng sách thiếu nhi đang khởi sắc và ngày càng được gia đình, xã hội, ngành xuất bản chú trọng hơn. Qua đó, có thể thấy được tiềm năng của dòng sách này thông qua tâm lý về sức mua của khách hàng.
Trương Mỹ Dung lấy ví dụ, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng các bậc phụ huynh vẫn sẵn lòng đầu tư cho con mình. Do đó, nếu một sản phẩm dành cho thiếu nhi tốt thì vẫn có thể bán tốt và các giải thưởng cũng góp phần tác động tích cực vào việc phát triển dòng sách thiếu nhi chất lượng.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Phim tài liệu vì sao thiếu vắng? với sự tham gia của host Lê Hoàng và đạo diễn Nguyễn Thị Thắm sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 12/8 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Nguồn tin – Ảnh: Pr Jet Studio